Chính quyền trung ương Hành_chính_Việt_Nam_thời_Tiền_Lê

Sử sách ghi chép rất vắn tắt và không hệ thống về bộ máy chính quyền nhà Tiền Lê. Đương thời Lê Đại Hành có định đặt lại quan chức, có các chức danh như Thái sư, Thái úy, Tổng quản, Đô chỉ huy sứ, trong đó chức chức Đại Tổng quản đóng vai trò coi việc dân trong cả nước, như Tể tướng của triều đình[1]. Triều Tiền Lê cũng được xác nhận là triều đại đầu tiên đặt chức quan đầu triều, người được phong chức là Từ Mục[2]. Việc nội trị được vua phân quyền giao lại cho các quan lại đảm đương chứ không nắm hết như thời Đinh, còn việc đánh dẹp vẫn do vua thân chinh[1].

Việc lựa chọn quan lại chưa có chế độ rõ ràng, nắm quyền phần lớn là các tướng có công ngoài mặt trận hoặc các hoàng tử[3].

Tổ chức bộ máy nhà Tiền Lê tuy vẫn giản đơn nhưng được đánh giá có tiến bộ hơn so với nhà Đinh[4]. Đó được xem là thể hiện bước quá độ sang thời kỳ phát triển cao hơn hơn theo hướng phong kiến hóa ngày càng vững chắc[3].

Kinh đô nhà Tiền Lê vẫn kế tục nhà Đinh đóng tại Hoa Lư. Theo ý kiến của các nhà nghiên cứu, kiến trúc xây dựng kinh thành Hoa Lư từ thời Tiền Lê đã có những công trình kiên cố, bề thế mà thời Đinh chưa có, nhờ vào quá trình sau hàng chục năm phục hồi, phát triển kinh tế thủ công nghiệp[5]. Sử sách ghi nhận một số công trình cung điện xây dựng như điện Bách Bảo Thiên Tuế ở núi Đại Vân, cổ giác vàng bạc, làm nơi coi chầu; điện Phong Lưu, điện Tử Hoa, điện Bồng Lai, điện Cực Lạc, lầu Đại Vân, điện Trường Xuân, điện Long Bộc, mái lợp ngói bạc[6].